Skip to main content

Điểm sáng khoa học công nghệ ngành cơ khí

Cụm công trình thiết bị nâng hạ “Ứng dụng 5 giải pháp khoa học đặc biệt để chế tạo các loại cần cẩu với tỷ lệ nội địa hóa trên 80% tại Việt Nam” của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung vừa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH – CN năm 2010.

Đây là công trình tập hợp nhiều thành tựu KH – CN mà xí nghiệp đã ứng dụng sáng tạo  hơn 10 năm qua.

Trước đây, toàn bộ thiết bị gồm: cầu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu bánh xích, cẩu bánh lốp…, gọi chung là cụm thiết bị nâng hạ, dùng trong các công trình trong nước hầu hết phải nhập khẩu của nước ngoài với giá cao và tốn một lượng lớn ngoại tệ không nhỏ. Dù có nhiều cố gắng nhưng khả năng của các doanh nghiệp chế tạo thiết bị nâng hạ trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sử dụng. Mặt khác, các cơ sở sản xuất này đa số sử dụng công nghệ chế tạo của Nga cũ. Nếu theo công nghệ này, kết cấu thép cồng kềnh, không tiết kiệm nguyên liệu, hiệu suất chuyển động kém, tiêu tốn điện năng mà hiệu quả kinh tế thấp.

Trước thực tế này, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã nghiên cứu thiết kế, sản xuất các loại thiết bị nâng hạ trên cơ sở tham khảo công nghệ của nhiều nước như Nhật, Hà Lan, Phần Lan… Đến nay, xí nghiệp đã làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí phức tạp như: Hộp giảm tốc, móc cẩu trục tải trọng lớn, lắp ráp các hệ thống điều khiển thiết bị cho các thiết bị nâng, đưa tỷ lệ nội địa hóa lên 80 – 90%. Xí nghiệp chiếm lĩnh thị trường cả nước về các thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng “Made in Vietnam”, phục vụ cho các ngành công nghiệp trọng điểm như: công nghiệp tàu thủy; điện lực; xi măng…

Đặc biệt, không chỉ chế tạo được mâm xoay cần cẩu có đường kính 6m (chất lượng tương đương của Nga), xí nghiệp  còn có thể chế tạo được mâm xoay có đường kính 36m (gấp 6 lần) hoàn toàn bằng công nghệ Việt Nam, với vốn đầu tư chỉ hơn 1 tỷ đồng.

diem-sang-khoa-hoc-cong-nghe-nganh-co-khi

Cụm công trình thiết bị nâng hạ “Ứng dụng 5 giải pháp khoa học đặc biệt để chế tạo các loại cần cẩu với tỷ lệ nội địa hóa trên 80% tại Việt Nam”, xứng đáng là một trong những sáng tạo KH-CN thành công nhất của xí nghiệp từ trước đến nay. Cụm công trình thành công dựa trên nền tảng 5 giải pháp KH-CN mà xí nghiệp đã ứng dụng, sản xuất thiết bị nâng hạ trong hơn 10 năm qua.

Trước hết, phải kể đến việc ứng dụng thành công giải pháp dự ứng lực trong chế tạo kết cấu thép của các dầm cầu trục khẩu độ lớn, tiết kiệm 30% khối lượng và tăng độ bền chất lượng sản phẩm, tạo ra cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Ưu điểm của giải pháp này là kết cấu hiện đại dạng hộp, có tính khí động học, bảo vệ chống xâm thực của môi trường tốt; gọn nhẹ, giảm đáng kể khối lượng tự trọng, khối lượng vật liệu và công chế tạo.

Thứ hai, đó là việc thiết kế, chế tạo thành công bộ truyền động bánh răng hành tinh tích hợp trong cụm cơ cấu nâng. Thứ ba, chế tạo và sử dụng vành chốt – bánh sao trong cơ cấu quay của cần trục chân đế thay thế cho cơ cấu vành đỡ kiểu ổ bi kết hợp với vành răng (vành tựa quay) phải nhập ngoại.

Thứ tư, sử dụng bộ điều khiển động cơ lồng sóc kiểu biến tần cho điều khiển động cơ các cơ cấu nâng, quay, di chuyển cần trục. Cuối cùng là nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ đúc chính xác bằng phương pháp chân không để đúc các chi tiết lớn.