Skip to main content

Sức bền của Ngành Cơ khí

Trải qua 120 năm xây dựng và phát triển, Ngành Cơ khí – Đại học Công nghiệp Hà Nội đã trở thành ngành mũi nhọn, hàng đầu của Việt Nam về đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ sư thực hành, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 9/9/2018, Ngành Cơ khí – Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm phát triển và hội nhập. Phát biểu khai mạc, NGND Trần Đức Quý – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trải qua 120 năm xây dựng và phát triển, Ngành Cơ khí (Khoa Cơ khí, Trung tâm Cơ khí, Trung tâm Việt – Nhật) đã nhiều lần mở rộng, tách nhập, thay đổi tên gọi, mục tiêu nhiệm vụ đào tạo để phù hợp với sự phát triển của Nhà trường.

Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng điểm chung của Ngành Cơ khí qua các thời kỳ luôn là ngành truyền thống, quan trọng nhất và là ngành có nhiều thành tích hàng đầu trong các lĩnh vực: thi học sinh giỏi nghề cấp Quốc gia, ASEAN, thế giới, Olympic các môn học, phong trào nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp…

Sức bền của Ngành Cơ khí

Hiệu trưởng Trần Đức Quý khẳng định, dù có nhiều thay đổi nhưng điểm chung của Ngành Cơ khí qua các thời kỳ luôn là ngành truyền thống, là ngành có nhiều thành tích trong các cuộc thi lớn
Hiện nay, Ngành Cơ khí đã phát triển vượt bậc với nền tảng kỹ nghệ trước đây và với chính sách mở rộng hợp tác hội nhập quốc tế của Nhà trường, Ngành Cơ khí đã được tiếp nhận một số dự án quan trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… do đó hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của Ngành Cơ khí luôn cập nhật công nghệ hiện đại, tiên tiến thuộc tốp đầu các trường đại học Việt Nam…

“Ngành Cơ khí đang thực hiện chương trình đào tạo mới nhất, cùng hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến của khu vực và thế giới, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng đặc trưng bởi sự hợp nhất, hội tụ đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ và là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho tất cả các quốc gia nắm bắt thời cơ, vận hội để phát triển.

Mong rằng Ngành Cơ khí của Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống, phấn đấu xây dựng và phát triển lên một tầm cao mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và dòng chảy của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, xây dựng và phát triển đất nước”, Hiệu trưởng Trần Đức Quý kỳ vọng.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của NGND Trần Đức Quý, TS.Nguyễn Văn Thiện – Trưởng khoa Cơ khí đã cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo nhà trường dành cho Khoa, đồng thời ôn lại lịch sử 120 năm của Ngành Cơ khí và hướng đến những mục tiêu trong tương lai để hòa cùng xu thế hội nhập. Theo TS.Nguyễn Văn Thiện, ngay từ ngày đầu mới thành lập, Ngành Cơ khí đã là Ngành quan trọng Nhà trường, được hình thành, lớn lên, được nếm trải khó khăn cũng như thụ hưởng nhiều thành quả của Nhà trường. Các thế hệ thầy và trò đã cố gắng vươn lên không ngừng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, góp phần xây dựng thương hiệu HaUI. …

TS.Nguyễn Văn Thiện – Trưởng khoa Cơ khí nhấn mạnh, Khoa đã và đang chuyển mình cùng cuộc CMCN 4.0, chủ động nắm bắt, tăng cường hợp tác, gắn kết không ngừng… nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao
Thời kỳ CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho Ngành Cơ khí, cho phép tiếp cận tầm cao tri thức, Công nghệ thông tin, vì thế Ngành Cơ khí cần hòa nhập, đổi mới mạnh mẽ trong đào tạo, chuyển mình cùng cuộc CMCN 4.0.

Có mặt trong lễ kỷ niệm 120 năm phát triển và hội nhập, PGS.TS Phạm Thị Minh Huệ, Giảng viên bộ môn Cơ-Sức bền (Khoa Cơ khí) bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân trên giảng đường. Cô chia sẻ, đó là dịp 8/3 của 20 năm về trước, khi đó tôi dạy lớp Ô tô toàn là nam ở cơ sở 3 tại Hà Nam. Tranh thủ giờ ra chơi, lớp tổ chức một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Bài hát mà các bạn nam gửi tặng cô chính là bài “Cô giáo bản Mèo” bởi Ba Sao là những dãy núi đá Tay Ngai, trùng trùng, điệp điệp. Lớp không có nữ, một bạn nam phải hóa trang thành nữ, cầm cái ô vừa che mưa, vừa xoay tròn một vòng từ ngoài cửa lớp đi vào cất giọng “Đường tới bản Mèo đường dốc cheo leo…”.

Thời điểm đó, các em tặng cô bó hóa hồng với những lời chúc chân thành, mộc mạc, bình dị làm tôi cảm thấy ấm lòng và món quà của các em đã khích lệ tôi kiên trì, bền bỉ hơn trên con đường “trồng người” đã chọn. Và chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ quên những gương mặt tươi sáng, những câu hỏi thông minh của các em trong mỗi giờ lên lớp, cũng như trong các chiến dịch Mùa hè xanh… và tôi cũng không thể nào quên cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi các em sinh viên Khoa Cơ khí đạt giải Nhất cuộc thi Robocon Techshow, giải Nhì nhà sáng tạo Robocon toàn quốc…

Việt Anh (Theo Thu Thủy http://tapchicongthuong.vn)