Chế tạo thành công máy phay CNC cao tốc
Mới đây, Công ty TNHH Cơ điện tử Bách Khoa (BKMech) đã chế tạo thành công máy phay CNC (công nghệ gia công cnc) cao tốc và chuyển giao sản phẩm này cho Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và phân tích (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội). Ðây là máy công cụ điều khiển số được sản xuất đầu tiên ở Việt Nam.
Ðược triển khai từ tháng 3-2009, máy phay CNC cao tốc là kết quả của đề tài khoa học cấp thành phố ‘Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy phay CNC cao tốc’. Máy phay CNC cao tốc là máy điều khiển số hiện đại, tốc độ phay của trục chính có thể lên đến 24 nghìn vòng/phút và tốc độ dịch chuyển khoảng 30m/phút. Ðể đạt được tốc độ phay và tốc độ chạy dao cao như vậy đòi hỏi máy phải có kết cấu vững chãi và cần kiểm soát tốt các vấn đề điều khiển tự động. Trong số hơn 100 công ty sản xuất máy của Ðài Loan (Trung Quốc) cũng chỉ có gần 10% các công ty có đủ năng lực chế tạo chủng loại máy này. Sản phẩm của BKMech có cấu hình tương đương với mẫu máy SD543 của hãng Sister (Ðài Loan). Lợi ích của máy phay CNC cao tốc là giảm thời gian gia công, trung bình tiết kiệm khoảng 20 đến 40% so với gia công phay thông thường do tốc độ cắt ngắn hơn. Ngoài ra, độ chính xác, chất lượng bề mặt gia công rất cao. Thường dùng cho một số sản phẩm phức tạp như các chi tiết có chiều sâu gia công lớn, sản phẩm có thành mỏng, các vật liệu có độ cứng cao,… Nếu coi cơ khí là ‘xương sống’ của nền kinh tế thì máy công cụ được ví là ‘máy cái’ vì nó tạo ra máy móc và thiết bị cho hầu hết các lĩnh vực thuộc nền kinh tế.
Giám đốc Công ty BKMech Vũ Ðình Minh cho biết, công nghệ chế tạo máy phay CNC cao tốc được công ty xây dựng phù hợp điều kiện Việt Nam. Các chi tiết thuê gia công được kiểm tra và lắp ráp theo tiêu chuẩn tương đương của các hãng sản xuất Ðài Loan. Hiện, sản phẩm của công ty đã hoàn thành về cơ bản và sẵn sàng cho giai đoạn thương mại hóa. Trong khi hiện nay, Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập các máy công cụ và phụ tùng phụ trợ, sản phẩm ‘made in Việt Nam’ này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài được phân phối trong nước. Giá của sản phẩm này dự kiến khoảng từ 50 nghìn đến 80 nghìn USD, bằng khoảng 50% so với giá nhập khẩu từ Ðài Loan. Ngoài ra, chi phí cho các hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ sau bán hàng cũng được giảm đáng kể. Các khách hàng sẽ được tư vấn và lựa chọn cấu hình máy phù hợp với chủng loại sản xuất. Sau khi bàn giao, khách hàng sẽ được đào tạo vận hành và tư vấn công nghệ chế tạo và sử dụng máy nhằm khai thác tối đa thiết bị. Bên cạnh đó, việc đào tạo và chuyển giao công nghệ do dự án thực hiện đã tiết kiệm được thời gian và chi phí do không phải mời chuyên gia nước ngoài đến công ty đào tạo. Giám đốc Vũ Ðình Minh cho biết thêm: Việc chế tạo thành công máy phay CNC cao tốc sẽ giúp Việt Nam hình thành một nền công nghệ chế tạo cao cấp kèm theo các dịch vụ hoàn chỉnh, làm thay đổi hẳn bộ mặt của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy trong nước. Không những thế, các ngành công nghiệp phụ trợ như: Khuôn mẫu, nhựa, đúc, chế tạo máy… cũng dần được nâng cấp về chất lượng nhằm cung cấp các phụ kiện cho ngành công nghiệp chế tạo máy.
Từ thành công này, công ty đã góp một phần không nhỏ để nâng cao khả năng tự chủ trong hoạt động đào tạo ở các trường dạy nghề và nghiên cứu. Công ty BKMech cho biết: Từ nay đến năm 2015 sẽ cho ra đời các sản phẩm mới như: Máy tiện có trục C, máy tiện băng nghiêng, máy CNC 2 cột cỡ lớn, máy đột CNC… và tích lũy kiến thức, đào tạo đội ngũ góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất máy CNC hiện đại.