“Áp dụng các công nghệ hiện đại với mô hình nhà máy của tương lai là một điều thiết yếu”
Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết giữa, sẽ mang lại cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàm lượng công nghệ còn thấp.
Theo ông Vũ Trọng Tài, cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ – Trung Quốc mang lại cơ hội vàng cho các doanh nghiệp (DN) Việt, trong việc đón nhận các nhu cầu cung ứng hàng thay thế nhằm tránh hàng rào thuế quan. Các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ mở ra các thị trường rộng lớn, đồng thời cũng mang đến sự cạnh tranh cam go hơn rất nhiều cho các nhà sản xuất Việt Nam. Nguồn nhân công giá rẻ thực sự không rẻ, do năng suất lao động ở mức rất thấp so với các đối thủ cạnh tranh, cộng với lộ trình tăng chí phí lao động liên tục hàng năm.
“Để tận dụng các cơ hội “vàng” nêu trên, các DN Việt bắt buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động thông qua đầu tư công nghệ, thiết bị và giải pháp thông minh hơn” – Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện năng lực cung ứng của ngành gia công cơ khí của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ về quy mô, yếu về công nghệ, thiếu đa dạng trong chủng loại, năng suất thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh kém. Ông Vũ Trọng Tài dẫn chứng, mới đây Reed Tradex có làm việc với một số khách hàng có nhu cầu mua hàng vật tư ngành nước bằng đồng thau, hoặc các chi tiết phụ tùng nhựa, các sản phẩm giấy với giá trị hàng triệu USD hàng năm, nhưng cực kỳ khó khăn khi tìm kiếm được nhà sản xuất Việt Nam đủ năng lực đáp ứng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, thế nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, chiếm khoảng 17%. Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, so với các quốc gia trong khu vực, ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam có chi phí cao hơn khoảng 20% do quy mô nhỏ và tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Hiện ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân khoảng 7 -10% và các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp. “So với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn rất thấp, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%” – ông Tài cho hay.
Công nghệ giúp DN tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Frank Weiand – Giám đốc hợp phần Liên kết DN nước ngoài, Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa của USAID cho biết, DN nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam chiếm tới 98% tổng số DN, 63% thị trường việc làm và đóng góp 45% vào GDP. Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn khi tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2018 là 35 tỷ USD, các DN FDI đóng góp tới 70% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam và sân chơi có sự hiện diện của các “ông lớn” từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Tuy nhiên, chỉ có rất ít DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, lý giải về điều này, ông Frank Weiand cho rằng, các nhà sản xuất Việt Nam trình độ công nghệ còn lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, nhân viên và quản lý không đủ kỹ năng, rào cản ngôn ngữ, hạn chế về tài chính…
Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, các DN Việt Nam phải nhanh chóng áp dụng các giải pháp công nghiệp và công nghệ hiện đại với mô hình nhà máy của tương lai là một điều thiết yếu. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí lao động và chi phí vận hành.
Theo ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa nhà máy Công ty ABB Việt Nam đánh giá, ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ tại Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết khi hội tụ cùng lúc nhiều điều kiện với sự xuất hiện các nhà sản xuất quy mô lớn trên thế giới như: Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon, Brother tại Việt Nam, một số cơ sở sản xuất này là trong tâm trong cả hệ thống cung ứng sản xuất trên toàn thế giới.
Trong vai trò một chuyên gia của USAID trong nỗ lực kết nối DNNVV Việt Nam vào chuỗi cung ứng với các DN FDI, ông Frank Weiand nhấn mạnh cần phải tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ giữa DNNVV với các DN nước ngoài.
Đặc biệt, nhằm giúp DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Frank Weiand – cho biết, Dự án kết nối DNNVV của USAID chọn triển lãm Metalex Vietnam 2019 như một nền tảng kết nối kinh doanh hữu hiệu, nhằm giúp các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự án này sẽ hỗ trợ tối đa 10 nhà sản xuất khi tham gia triển lãm tại Metalex Vietnam 2019 để hợp tác kinh doanh với hàng ngàn nhà sản xuất và nhà cung cấp.
Theo báo Công Thương – Minh Khuê