Kiểm soát chất lượng hàn tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Công nghệ hàn nóng chảy kim loại được sử dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất nhiều loại sản phẩm và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp dầu khí, công nghiệp chế tạo tàu thủy, tàu đường sắt cao tốc, công nghiệp máy bay, hóa dầu, hóa chất, ngành chế tạo máy công nghiệp. Ngoài ra, hàn là một phương pháp sản xuất thường được sử dụng để liên kết các sản phẩm kim loại, có tác động đáng kể đến chi phí và chất lượng sản phẩm.Với tầm quan trọng này, theo ông Lê Khánh Tường – Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Đức, điều quan trọng là phải thực hiện các hoạt động hàn một cách hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chất lượng. Bởi hiện nay, chất lượng phần lớn các sản phẩm cơ khí như: Nồi hơi, bình, bồn áp lực, các thiết bị nông nghiệp và dân dụng… phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các liên kết hàn.
Theo ông Lê Khánh Tường, các sản phẩm cơ khí nói trên có khả năng gây mất an toàn rất cao vì đó là các sản phẩm chịu tải cao, chịu áp lực lớn. Chính vì vậy, chất lượng của các liên kết hàn có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm cuối cùng, an toàn của con người, thiết bị và công trình.
Ông Lê Khánh Tường cho biết thêm, hiện Việt Nam là quốc gia đang phát triển, vì vậy việc phát triển hướng theo công nghiệp hóa, trong đó công nghệ hàn đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp cơ khí.
Hiện nay, doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam, ngoài các nhu cầu về vốn, trình độ quản lý các công trình lớn, các công nghệ tiên tiến, còn đang thiếu rất nhiều đội ngũ nhân sự hàn có trình độ cao, đáp ứng các yêu cầu của các nhà thầu quốc tế như: kỹ sư hàn, giám định hàn, các cán bộ kỹ thuật, quản lý chất lượng hàn. Và đặc biệt là đội ngũ thợ hàn có tay nghề cao để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các nhà thầu trong và ngoài nước. Vì vậy, thời gian tới các doanh nghiệp cần rất nhiều đội ngũ nhân sự hàn đáp ứng được các yêu cầu theo các chuẩn mực quốc tế.
Mặt khác, theo ông Lê Khánh Tường, hiện các nước công nghiệp phát triển, vấn đề kiểm soát chất lượng hàn được quan tâm đặc biệt để đảm bảo an toàn cho con người và công trình. Tại châu Âu, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 3834 (yêu cầu chất lượng đối với hàn nóng chảy kim loại) và các tiêu chuẩn khác có liên quan là một yếu tố bắt buộc, và được áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, chế tạo thiết bị nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Còn tại Mỹ và một số quốc gia liên quan, quá trình hàn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật (code) của Mỹ một cách chặt chẽ, nhằm đảm bảo an toàn sản phẩm.
Từ thực tế đó, ông Lê Khánh Tường cho rằng, việc các doanh nghiệp áp dụng thành công một hệ thống quản lý chất lượng hàn sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo có sử dụng hàn là quá trình sản xuất chính. Đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Được biết, sắp tới, tại triển lãm Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2017 diễn ra ở Hà Nội, sẽ diễn ra Ngày hội công nghệ hàn và Hội thi tay nghề thợ hàn. Sự kiện này được kỳ vọng tạo điều kiện cho các nhà công nghiệp tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực này. Đồng thời, còn nhắm tới mục tiêu nâng cao chất lượng tay nghề thợ hàn ở Việt Nam; đưa chuẩn mực quốc tế về kỹ thuật hàn đến gần hơn nữa với nền công nghiệp nước nhà; khuyến khích người lao động có ý thức hơn về nâng cao tay nghề, để mặt bằng chung công nghệ hàn của Việt Nam sánh ngang với các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.
[wp-review id=”1541″]