Skip to main content

Ngành cơ khí vẫn đang ở vị trí thấp

(HQ Online)- Là ngành kinh tế then chốt, nhưng sau gần 15 năm triển khai thực hiện Quyết định 186/2002/QĐ-TTG chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 (xét đến năm 2020), ngành cơ khí Việt Nam đã không đạt được nhiều mục tiêu đề ra.

nganh-co-khi

Ngành cơ khí Việt Nam đang có nhiều thách thức trước hội nhập. Ảnh:DANH LAM

Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11 dự án được vay vốn ưu đãi với tổng vốn đầu tư 9.978,18 tỷ đồng. Đã có 3 dự án được Ngân hàng BIDV đồng ý cho ký hợp đồng vay vốn với tổng giá trị 374 tỷ đồng. Đến nay mới chỉ giải ngân được 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký.

Báo cáo của Bộ Công Thương.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới chính sách hỗ trợ ngành cơ khí nên đi vào trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phải cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ.

Giá trị sản xuất tăng

Từ năm 2002, xác định tầm quan trọng của ngành cơ khí đối với sự phát triển của nền kinh tế, Nhà nước đã quan tâm tạo cơ chế, chính sách cho ngành cơ khí phát triển. Bắt đầu bằng việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam năm 2002, tiếp đó tháng 6-2003, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và nhiều chính sách phát triển ngành cơ khí như cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tiếp đến, năm 2014, khi ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khác đối với ngành cơ khí như cơ chế hỗ trợ công tác đấu thầu, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ… cũng được ban hành.

Nhờ hệ thống chính sách hỗ trợ này, giá trị sản xuất của ngành cơ khí năm 2014 đạt gần 264 ngàn tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với giá trị năm 2000 (33.800 tỷ đồng). Giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp (năm 2002 chiếm 16%, năm 2014 đạt 23%). Theo Bộ Công Thương, hiện nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, cụ thể, thay vì phải NK như trước đây, hiện nay DN trong nước có thể đảm nhận các nhà máy lớn như thủy điện Sơn La, Bản Vẽ, Lai Châu, A Vương,… Những dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất đến 30.000 tấn/năm, dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm, dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất lên đến 1.500.000 tấn/năm… các DN cơ khí trong nước đã chế tạo được. Cơ khí sản xuất lắp ráp xe gắn máy đã có những tiến bộ vượt bậc, với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85-95%.

Đặc biệt, ngành dầu khí đã chế tạo thành công và đưa vào hoạt động giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90 m nước, thay thế cho việc NK sản phẩm này.

Chính sách mới dừng ở khẩu hiệu

Tuy đạt được nhiều kết quả nói trên, nhưng theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương thì đến nay sau hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đáp ứng của ngành cơ khí cho nhu cầu trong nước chưa đạt được như mục tiêu đề ra, khi mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu. Con số từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, mặc dù XK của ngành cơ khí năm 2014 đạt 15 tỷ USD, nhưng nhập siêu trong ngành cơ khí ở mức khoảng 11 tỷ USD.

Bàn về những bất cập của chính sách cơ khí, các DN cho biết việc tiếp cận các chính sách ưu đãi cho sản xuất cơ khí còn quá khó khăn. Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho rằng, là chương trình lớn của Đảng, nhưng Quyết định 186 về chiến lược phát triển ngành cơ khí, Chỉ thị số 10 về Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ không đi được vào cuộc sống. Đầu tư cho cơ khí còn hạn chế, dàn trải, không hiệu quả. Bản thân DN đã lập hồ sơ dự án, “kẽo kẹt” với ngân hàng bao nhiêu năm, hồ sơ nhiều lần phải chỉnh đi chỉnh lại, mất rất nhiều thời gian, công sức khiến DN không còn tha thiết vay vốn.

Chính sách cụ thể trong chiến lược phát triển vẫn còn hạn chế nên các chủ trương chỉ là khẩu hiệu. Thực tế là ngành cơ khí đang đứng ở rất thấp, chủ yếu quan tâm đến lắp ráp mà không chú trọng làm theo chuỗi. Đây là những nhận định của ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh.

Theo ông Quang, đối với DN, cái cần nhất là thị trường, nếu không có thị trường thì dù DN có đầu tư cũng phá sản. Để tạo thị trường cho ngành cơ khí, Chính phủ đã ban hành Luật Đấu thầu, cụ thể khi đấu thầu quốc tế với các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% thì DN được cộng thêm vào giá 7%, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với các nước, vì thế cần nâng lên 15%. Ngoài ra, khi đấu thầu DN trong nước không thắng được do lãi vay ngân hàng ở Việt Nam thời điểm thấp nhất cũng là 8%, trong khi các nước cao nhất chỉ 3%.

“Xuất phát điểm của ngành cơ khí trong nước đã thấp trong khi phải cạnh tranh với các nước phát triển lại có chính sách hơn ta thì chắc chắn sẽ thua”, ông Trần Văn Quang nhấn mạnh.

Có thị trường, DN không cần hỗ trợ

Dự thảo chiến lược phát triển ngành cơ khí đến 2025, có xét đến 2035 đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 ngành cơ khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, lĩnh vực cơ khí có khả năng cạnh tranh, đáp ứng cơ bản các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước và XK. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21% và năm 2035 chiếm 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2035 đáp ứng trên 60%.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành hàng cơ khí có 2 loại hàng hóa, có loại vận hành theo quy luật thị trường và loại thứ hai cần có bàn tay hữu hình của Nhà nước, nếu tự DN “bơi” sẽ không phát triển được. Chiến lược cần xác định những ngành nào cần “bàn tay” của Nhà nước và ngành nào để thị trường xác định.

Ông Sáng cũng cho rằng, mục tiêu tổng quát và cụ thể trong dự thảo chiến lược dù ở mức trung bình cao nhưng nếu cố gắng sẽ đạt được. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách vẫn còn chung chung, chính vì vậy, theo ông Sáng, thay vì hỗ trợ cho vay tiền, hỗ trợ thuê đất, cần tạo thị trường để ngành cơ khí phát triển. Khi DN có thị trường có thể tự đầu tư phát triển, không cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, khi thị trường ngày càng được rộng mở, có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để “đi tắt đón đầu” trong một số lĩnh vực. Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi thì ngành cơ khí trong nước cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ cho ngành cơ khí mà quan trọng hơn là các chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tạo thị trường cho DN cơ khí vẫn là điều cốt yếu.

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương:

“Do xuất phát điểm của ngành cơ khí còn thấp, hiện DNVVN chiếm đa số nên không chỉ thiếu cả vốn mà thiếu cả con người. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trước mắt Nhà nước có thể đẩy mạnh những chính sách chung như tạo dung lượng thị trường để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong chiến lược mới cho ngành cơ khí, Nhà nước sẽ có định hướng để chính sách đi vào cuộc sống, không xây dựng chính sách ra để làm không được mà cần làm cùng nhau”.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam:

“Từ năm 2000 đến nay, ngành cơ khí đã từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên tạo ra một số sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt phục vụ xây dựng phát triển các ngành công nghiệp khác, nhưng tỷ lệ cơ khí Việt Nam tham gia thực hiện các công trình này rất thấp dẫn đến lợi nhuận rơi vào tay DN nước ngoài và không có tích lũy để phát triển. Sau 15 năm, do nhiều nguyên nhân, đầu tư cho cơ khí chưa tương xứng với đối với các ngành sản xuất khác, quản lý Nhà nước đối với ngành cơ khí – luyện kim không thích hợp dẫn đến ngành này bộc lộ yếu kém so với khu vực, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế yếu”.

Trích từ nguồn: Báo mới